Đặc trưng của chèo Chèo

Chèo là nghệ thuật tổng hợp, muốn thấy được cái hay, cái đẹp, cái đặc sắc của Chèo phải trực tiếp đến với các chiếu Chèo, các vở diễn. Đặc biệt, nếu thuộc được một số làn điệu thì mới thấy được sức cuốn hút lạ kỳ của Chèo đối với người nghe. Phải hát được Chèo mới học được Chèo, từ đó mới có cơ sở sáng tạo, nâng cao và bổ sung những đặc sắc mới cho nghệ thuật Chèo. Hát Chèo là lối hát sân khấu, có thể một người, có thể nhiều người hát đồng ca. Giai điệu của các làn điệu hát Chèo rất phù hợp với giọng tự nhiên và ngôn ngữ của người Việt. Hát Chèo được hình thành bắt nguồn từ các làn điệu dân ca, lời hát Chèo lấy trong các sáng tác văn học dân gian ở vùng đồng bằng Bắc Bộ là chủ yếu. Ngoài ra các làn điệu Chèo còn chịu những ảnh hưởng từ hát Văn, hát Xẩm, hát Ca trù, hát Xoan, hát Quan họ... Hát Chèo là loại hình nghệ thuật dân tộc có sức sống lâu bền, độc đáo và phổ biến. Nó đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, giáo dục và phục vụ đắc lực cho đời sống tinh thần của nhân dân nên Chèo luôn được nhân dân yêu mến, gìn giữ.[5]

Về nội dung, không giống tuồng chỉ ca tụng hành động anh hùng của các giới quyền quý, chèo còn miêu tả cuộc sống bình dị của người dân nông thôn, ca ngợi những phẩm chất cao cả của con người. Nội dung của các vở chèo lấy từ những truyện cổ tích, truyện Nôm; được nâng lên một mức cao bằng nghệ thuật sân khấu mang giá trị hiện thực và tư tưởng sâu sắc. Trong chèo, cái thiện thường thắng cái ác, các sĩ tử tốt bụng, hiền lành, luôn đỗ đạt, làm quan còn người vợ thì tiết nghĩa, cuối cùng sẽ được đoàn tụ với chồng. Các tích trò chủ yếu lấy từ truyện cổ tích, truyện Nôm; ca vũ nhạc từ dân ca dân vũ; lời thơ chủ yếu là thơ dân gian. Lối chèo thường diễn những việc vui cười, những thói xấu của người đời như các vai: Thầy mù, Hương câm, Đồ điếc, Quan Âm Thị Kính. Ngoài ra chèo còn thể hiện tính nhân đạo, như trong vở Trương Viên. Chèo luôn gắn với chất "trữ tình", thể hiện những xúc cảm và tình cảm cá nhân của con người, phản ánh mối quan tâm chung của nhân loại: tình yêu, tình bạn, tình thương.

Nhân vật trong chèo thường mang tính ước lệ, chuẩn hóa và rập khuôn. Tính cách của các nhân vật trong chèo thường không thay đổi với chính vai diễn đó. Những nhân vật phụ của chèo có thể đổi đi và lắp lại ở bất cứ vở nào, nên hầu như không có tên riêng. Có thể gọi họ là thầy đồ, phú ông, thừa tướng, thư sinh, hề v.v...Tuy nhiên, qua thời gian, một số nhân vật như Thiệt Thê, Thị Kính, Thị Mầu, Súy Vân đã thoát khỏi tính ước lệ đó và trở thành một nhân vật có cá tính riêng.

"Hề chèo" là một vai diễn thường có trong các vở diễn chèo. Anh hề được phép chế nhạo thoải mái cũng như những anh hề trong cung điện của vua chúa Châu Âu. Các cảnh diễn có vai hề là nơi để cho người dân đả kích những thói hư tật xấu của xã hội phong kiến hay kể cả vua quan, những người có quyền, có của trong làng xã. Có hai loại hề chính bao gồm:hề áo dài và hề áo ngắn

Sân khấu Chèo là loại hình nghệ thuật tổng hợp các yếu tố dân ca, dân vũ và các loại hình nghệ thuật dân gian khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nó là hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng, và có thể được biểu diễn ngẫu hứng. Sân khấu chèo dân gian đơn giản, những danh từ chèo sân đình, chiếu chèo cũng phát khởi từ đó. Đặc điểm nghệ thuật của chèo bao gồm yếu tố kịch tính, kỹ thuật tự sự, phương pháp biểu hiện tính cách nhân vật, tính chất ước lệ và cách điệu. Ngôn ngữ chèo có những đoạn sử dụng những câu thơ chữ Hán, điển cố, hoặc những câu ca dao với khuôn mẫu lục bát rất tự do, phóng khoáng về câu chữ.

Chèo không có cấu trúc cố định năm hồi một kịch như trong sân khấu châu Âu mà các nghệ sĩ tham gia diễn chèo thường ứng diễn. Do vậy, vở kịch kéo dài hay cắt ngắn tuỳ thuộc vào cảm hứng của người nghệ sĩ hay đòi hỏi của khán giả. Không giống các vở opera buộc các nghệ sĩ phải thuộc lòng từng lời và hát theo nhạc trưởng chỉ huy, nghệ sĩ chèo được phép tự do bẻ làn, nắn điệu để thể hiện cảm xúc của nhân vật.

Chèo sử dụng tối thiểu là ba loại nhạc cụ dây là đàn nguyệt, đàn nhịđàn bầu đồng thời thêm cả sáo nữa. Ngoài ra, các nhạc công còn sử dụng thêm trốngchũm chọe. Bộ gõ nếu đầy đủ thì có trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, . Trống con dùng để giữ nhịp cho hát, cho múa và đệm cho câu hát. Có câu nói " phi trống bất thành chèo" chỉ vị trí quan trọng của chiếc trống trong đêm diễn chèo. Trong chèo hiện đại có sử dụng thêm các nhạc cụ khác để làm phong phú thêm phần đệm như đàn thập lục, đàn tam thập lục, tiêu v.v...

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chèo http://www.britannica.com/EBchecked/topic/256778 http://baohoabinh.com.vn/16/87390/Doc_dao_lan_dieu... http://www.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=1440... http://nxbhanoi.com.vn/chi_tiet_tin/tabid/204/cate... http://sankhau.com.vn/news/lich-su-va-dac-diem-ngh... http://www.sankhauvietnam.com.vn/Story/vanhoa_truy... http://thuonghieucongluan.com.vn/nam-dinh-mot-tron... http://vannghenamdinh.com.vn/index.php/vi/news/San... http://congannghean.vn/van-hoa-giao-duc/201511/ve-... http://www.spnttw.edu.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?...